MỚI NHẤT

Kinh dị - Hướng đi an toàn của những nền điện ảnh đang phát triển

Thực tế buồn là các nhà làm phim Việt chưa tìm ra bản sắc cho dòng phim kinh dị Việt Nam.

Theo chị Nguyễn Thùy Vân, Giám đốc miền Bắc cụm rạp CGV - một người có hơn 10 năm kinh nghiệm ở thị trường điện ảnh Việt Nam, làm phim kinh dị, hoặc phim có yếu tố li kỳ, kỳ ảo, ma quái, bí ấn… là lựa chọn khá an toàn với các nhà đầu tư, bên cạnh phim hài “nhảm” đã được cố định ra rạp vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Lí do là vì, phim kinh dị luôn bảo đảm doanh thu nhất định cho dự án. Dẫn chứng mới nhất: phim Đoạt hồn của đạo diễn Hàm Trần sau 4 ngày ra rạp đã có doanh số bán vé 12 tỷ đồng. Đó không phải con số kỷ lục hay đột phá gì với một bộ phim Việt, nhưng cũng là thành công bước đầu đáng ghi nhận, chứng tỏ nhà sản xuất đã không nhầm khi đầu tư tiền của, thời gian, công sức vào dự án điện ảnh này.


Nhìn rộng ra, thể loại phim ma, kinh dị khai thác các yếu tố tâm linh, kỳ bí được xem là thế mạnh của điện ảnh châu Á nói chung trước các phim điện ảnh bom tấn phương Tây thường được đầu tư số vốn lớn hơn nhiều lần. Những năm 90 của thế kỷ trước, Nhật Bản là nước châu Á tiên phong trong việc sản xuất các phim kinh dị. The Ring (làm lại từ bộ phim ăn khách ra mắt từ năm 1927 của nhà văn – đạo diễn Alfred Hitchcock) từng gây tiếng vang lớn, được làm thêm các phần 2, 3 rồi 4 (tính đến nay đã có tổng cộng 10 phiên bản The Ring ra mắt, trong đó riêng Nhật Bản chiếm tới 5).

Tiếp nối bài học thành công của người Nhật, điện ảnh Thái Lan vài năm qua cũng cho ra lò nhiều phim kinh dị, ma quái gây ấn tượng mạnh không chỉ trong nước mà còn rất thành công khi lấn sân sang các thị trường lân cận như Việt Nam, Malaysia, Singapore. Năm ngoái, Tình người duyên ma, bộ phim khai thác bi kịch tình yêu đớn đau nhưng cũng cực kỳ cảm động giữa Mak (Mario Maurer), một người lính trở về sau chiến tranh với cô vợ trẻ Nak (Daviva Horne) nơi quê nhà, trở thành một cơn sốt được teen Việt săn đón.

Tình người duyên ma gây nên hiện tượng với khán gải Việt trong năm 2013.
Sở dĩ phim kinh dị, ma quái hút cả khán giả lẫn nhà đầu tư là bởi: “Phim kinh dị kinh phí sản xuất thấp, một bộ phim đạt chất lượng, thậm chí ở những nền điện ảnh lớn – như Mẹ Ma (Mỹ), Kristy… chi phí sản xuất cũng chỉ vẻn vẹn 15 – 20 triệu USD, bằng một cái móng tay so với những siêu phẩm bom tấn cỡ Transformers, X-Men” - chị Thùy Vân phân tích.

“Hơn nữa, phim kinh dị khai thác rất tốt những lợi thế về kỹ thuật của các rạp chiếu: như âm thanh sống động, chân thực; màn ảnh rộng, không khí tối tăm trong phòng chiếu. Còn về phía khán giả, có những bạn nữ - thậm chí vô cùng nhút nhát – vẫn mua vé vào xem các phim kinh dị vì tò mò. Phim kinh dị có sức hấp dẫn tương đối lớn với khán giả nói chung, khán giả Việt Nam nói riêng” - chị Vân chia sẻ thêm.

Mama, tựa Việt “Mẹ Ma” có kinh phí sản xuất 15 triệu USD
nhưng thu về gần 150 triệu USD, lãi gấp 10 lần con số đầu tư.
Đi tìm bản sắc kinh dị Việt Nam

Từ bước đà phim kinh dị những năm 1980 - 1990, đến nay điện ảnh Nhật Bản đã phát triển ở một vị thế tương đối cao và là nền điện ảnh châu Á có thương hiệu khi đặt bên cạnh Trung Quốc (thế mạnh phim dã sử, lịch sử, cổ trang), Hàn Quốc (thế mạnh tâm lý tình cảm) và Hong Kong (thế mạnh phim võ thuật, anh hùng).

Với những nền điện ảnh ở cấp độ thấp hơn và đang phát triển như Thái Lan, Campuchia (năm ngoái, The Missing Picture của điện ảnh Campuchia lọt top 9 ở hạng mục Phim Nói tiếng nước ngoài tại giải thưởng Oscar) và Việt Nam, làm phim kinh dị được xem là bước đi tất yếu và an toàn với các nhà đầu tư để quay vòng vốn, tránh những cú thất thoát tiền tỷ có thể dẫn tới tán gia bại sản như một bộ phim hành động – võ thuật khai thác đề tài về các băng nhóm tội phạm bị cấm phát hành tại nước ta, sau khi ê-kíp đã đầu tư hàng chục tỷ đồng sản xuất.

Giữa 3, 4 đối thủ cạnh tranh trực tiếp đó, phim kinh dị Thái Lan bước đầu đã có cú “đề-pa” tốt. Thương hiệu Ma Thái vài năm qua đã có chỗ đứng trong lòng khán giả, cứ nhắc đến “phim Ma Thái” là người xem biết ngay họ sắp được xem một phim ma, kinh dị xen kẽ các yếu tố hài hước, các chi tiết “bựa” được đan cài dày đặc trong phim. Đó chính là cách để phim kinh dị Thái Lan tạo ấn tượng riêng biệt, lạ giữa vô số nền điện ảnh cùng chọn phim kinh dị làm hướng đi.

Vậy còn kinh dị Việt Nam? Thực tế “hơi buồn” là có vẻ như các nhà làm phim của chúng ta vẫn chưa tìm ra bản sắc cho dòng phim kinh dị của mình. Xét về các yếu tố kỹ thuật như âm thanh, hình ảnh, hóa trang, kỹ xảo, bối cảnh, phim kinh dị Việt tiến bộ rất rõ trong vài năm qua. Từ Lời nguyền huyết ngải của đạo diễn kỳ cựu Bùi Thạc Chuyên đến Mùa hè lạnh với sự xuất hiện của hot-girl Midu trong vai cô sinh viên y khoa thực tập trong nhà xác, đến Đoạt Hồn, hầu như chẳng thể chê bai các bộ phim này về yếu tố kỹ thuật.

Midu trong vai cô sinh viên thực tập tại nhà xác trong Mùa hè lạnh.
Nhưng kịch bản nói chung của các phim này và của phim kinh dị Việt thường nhạt, nhảm, khó đọng lại trong trí nhớ khán giả sau khi phim không còn chiếu nữa. Rõ ràng, đặt bên câu chuyện tình cảm động của Mak và Nak trong Tình người duyên ma, phim kinh dị Việt Nam không đề lại chút ấn tượng gì ở khâu kịch bản. Quanh đi quẩn lại, các đề tài được khai thác vẫn chỉ là: oan hồn, thầy cúng, những vụ mất tích, cái chết bí ẩn.

Phim có yếu tố kinh dị duy nhất có thể xem để lại dấn ấn là Quả tim máu, với việc khai thác tương đối hợp lý các yếu tố tình yêu, kinh dị, bối cảnh đẹp và phá án. Nhưng nó không được phát triển từ kịch bản gốc mà lấy cốt từ một vở kịch ăn khách của diễn viên – nhà viết kịch Thái Hòa.


Nhưng kể cả có thành công như Quả tim máu, người xem cũng không thấy được yếu tố riêng biệt tạo nên dấu ấn đặc sắc của Ma Việt như phim Ma Thái. Vậy nên, có thể nói đây chính là tảng đá chắn lối và cần những tư duy đột phá của thế hệ đạo diễn, nhà làm phim trẻ tài năng. Bao giờ các nhà làm phim giải tán được "tảng đá" này, cơ hội phim ma, kinh dị Việt thành "hiện tượng" may chăng mới thành sự thật.

THEO ZING

No comments:

Post a Comment

Tin tức HayhayTV Designed by Templateism.com Copyright © 2014

Powered by Blogger.