Fight Club (1999): Luôn nằm trong top 250 phim hay nhất của IMDb, ít ai biết rằng khi ra mắt vào năm 1999, Fight Club của đạo diễn David Fincher chỉ có thể thu về 37 triệu USD so với mức kinh phí sản xuất lên tới hơn 60 triệu USD. Thậm chí, cả giới phê bình cũng tỏ ra lạnh nhạt với Fight Club. Nhưng qua thời gian, bộ phim có sự góp mặt của Brad Pitt và Edward Norton chứng minh được sức hút bền bỉ, cũng như thường xuyên được bầu vào danh sách các tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất trong thế kỷ 20 của Hollywood.
Blade Runner (1982): Với sự tham gia của tài tử Harrison Ford, Blade Runner được đánh giá là một trong những tác phẩm hay nhất của dòng phim khoa học viễn tưởng. Dẫu vậy, bộ phim cũng có khởi đầu đầy sóng gió khi không thu hút được nhiều sự chú ý. Ngay cả cây bút phê bình phim trứ danh Roger Ebert cũng phải mãi tới tận sau này mới thừa nhận chất lượng thực sự của bộ phim. Lý do Blade Runner không nhận được “sủng ái” bởi khán giả không thể hiểu hết toàn bộ câu chuyện phim chỉ sau một lần xem.
Willy Wonka & the Chocolate Factory (1971): Willy Wonka & the Chocolate Factory là một phim kinh điển dành cho trẻ em, từng được Tim Burton làm lại vào năm 2005 cùng tài tử Johnny Depp. Được tiên đoán là sẽ ăn khách, nhưng bộ phim gốc gây thất vọng lớn khi chỉ đạt doanh thu xấp xỉ 4 triệu USD. Hãng Paramount quyết định thanh lý bộ phim và bán lại nó cho Warner Bros. với giá chỉ 500.000 USD. Cũng phải nhờ tới sóng truyền hình mà Willy Wonka & the Chocolate Factory mới được nhiều trẻ em và khán giả biết đến hơn.
Vertigo (1958): Do đạo diễn lừng danh Alfred Hitchcock thực hiện, Vertigo cũng không tránh khỏi số phận hẩm hiu trong lần đầu trình chiếu. Doanh thu phòng vé của bộ phim giật gân kém xa so với những tác phẩm trước đó của Hitchcock khi chỉ đạt mức 7,3 triệu USD. Phải một thời gian sau, Vertigo mới được khán giả lẫn giới phê bình trả lại cho ánh hào quang xứng đáng và luôn nằm trong danh sách các tác phẩm kinh điển của thế kỷ 20.
Twelve Angry Men (1957): Là bộ phim về đề tài luật pháp hay nhất mọi thời đại, Twelve Angry Men xoay quanh một bồi thẩm đoàn có 12 người đàn ông đang thảo luận về tội trạng của một bị cáo. Nhìn qua, đây là một thể loại “không hề dễ nuốt” đối với khán giả nên dù được giới phê bình tích cực ủng hộ thì phim vẫn không thể có được kết quả phòng vé xứng đáng. Một lý do khác khiến Twelve Angry Men thất bại khi đó là bởi phim được quay đen trắng trong khi phần lớn các tác phẩm điện ảnh ở thời kỳ này đã chuyển sang phim màu.
It’s a Wonderful Life (1946): Đây là một trong những bộ phim hay nhất về chủ đề Giáng Sinh, kể về một người đàn ông có ý định tự sát vào đêm ngày 24/12 thì bỗng nhiên gặp được thiên thần hộ mệnh. Tuy nhiên, khi mới trình chiếu, It’s a Wonderful Life là một thảm họa phòng vé khi chỉ thu về được 3,1 triệu USD, khiến đạo diễn lừng danh Frank Capra phải tuyên bố phá sản. Lý do bởi bộ phim ra mắt ở một thời điểm quá chật chội ở phòng vé và thiếu đi những bước đi marketing cần thiết. Phải mãi tới khi được trình chiếu rộng rãi trên sóng truyền hình, It’s a Wonderful Life mới được người ta ghi nhận một cách xứng đáng.
The Wizard of Oz (1939): Không chỉ đơn thuần là một bộ phim thiếu nhi, The Wizard of Oz hội tụ đủ mọi yếu tố để trở thành một kiệt tác điện ảnh kinh điển: sáng tạo, đẹp mắt và mang nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, phim cũng là một thất bại tại phòng vé khi chỉ có thể thu về 3 triệu USD, so với mức kinh phí đầu tư là 2,7 triệu USD. Có vẻ như những giai điệu vui vẻ, bối cảnh bắt mắt, hiệu ứng phim màu được áp dung triệt để cũng không đủ để kéo khán giả ra rạp vào thập niên 1930. Chỉ cho tới khi được tái trình chiếu thì The Wizard of Oz mới nhận được sự quan tâm đúng đắn.
Citizen Kane (1941): Do đạo diễn Orson Welles thực hiện năm 1941, Citizen Kane là bộ phim tiểu sử hư cấu về ông trùm báo chí Charles Foster Kane - một nhân vật được xây dựng dựa trên cuộc đời của ông trùm truyền thông William Randolph Hearst cùng nhiều chi tiết từ cuộc đời của chính Orson Welles. Vì lý do này nên sau khi phim được trình chiếu, Hearst đã cấm các tờ báo thuộc quyền sở hữu của ông đề cập tới bộ phim. Nhận được 9 đề cử Oscar năm 1942 nhưng rốt cuộc phim cũng chỉ nhận được một tượng vàng duy nhất cho phần kịch bản. Citizen Kane cuối cùng phải cần đến thời gian mới có thể chứng minh được giá trị đích thực của nó.
THEO ZING
No comments:
Post a Comment